Ly hôn có yếu tố nước ngoài
Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài
1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp là công dân Việt Nam nhưng không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn sẽ được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu không có nơi thường trú chung thì sẽ giải quyết theo pháp luật của Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là BĐS ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Ly hôn và công nhận ly hôn chính là việc TAND ra quyết định gỡ bỏ những ràng buộc pháp lý giữa các bên trong quan hệ hôn nhân gia đình. Ly hôn không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực, mặt khác, còn là một phương án để cho các bên tìm được cuộc sống mới khi mối quan hệ đã không được hạnh phúc nữa.
** Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài. Chỉ có Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16 tháng 04 năm 2003 hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình - Mục 2 - Khoản 2 có quy định về Ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Theo đó, Điều 2.1 Nghị quyết 012003/NQ-HĐTP quy định như sau:
2.1. Đối với công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với công dân Việt Nam đã đi ra nước ngoài
Khi giải quyết việc này, cần phân biệt như sau:
a. Đối với trường hợp uỷ thác tư pháp không có kết quả vì lý do bị đơn sống lưu vong, không có cơ quan nào quản lý, không có địa chỉ rõ ràng nên không liên hệ với họ được, thì Toà yêu cầu thân nhân của bị đơn đó gửi cho họ lời khai của nguyên đơn và báo cho họ gửi về Toà những lời khai hoặc tài liệu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Sau khi đã có kết quả, Toà có thể căn cứ vào những lời khai và tài liệu đó để xét xử theo thủ tục chung.
b. Trường hợp bên đương sự là bị đơn đang ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức và giấu địa chỉ nên không thể biết địa chỉ, tin tức của họ, thì giải quyết như sau:
- Nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ (kể cả thân nhân của họ cũng không có địa chỉ, tin tức gì về họ), thì Toà án nhân dân sẽ ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 45 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và giải thích cho nguyên đơn biết họ có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án nhân dân cấp huyện nơi họ thường trú tuyên bố bị đơn mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật về tuyên bố mất tích, tuyên bố chết.
- Nếu thông qua thân nhân của họ biết rằng họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước, nhưng thân nhân lại không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn, cũng như không thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Toà, thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Toà án đã yêu cầu lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử Toà cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở UBND cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.
0 Nhận xét